Không biết bạn có để ý không, đó là khi mà chúng ta càng lớn thì càng ít nói câu xin lỗi. Không phải là mình sẽ càng hành động, cư xử đúng khi càng nhiều tuổi hơn, mà là mình không muốn người khác thấy mình là một người chưa trưởng thành, chưa giỏi, chưa có chính kiến,…
Chuyện người khác đánh giá mình không giỏi, không làm đủ tốt nó có quan trọng hay không. Có! Nó cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ, công việc, tình cảm. Vậy nên chúng ta phải cố gắng bảo vệ quan điểm của bản thân đển cùng, hoặc là hợp lý hóa cái không đúng của mình bằng những lý do phù hợp? Có phải như vậy hay không?
Có 1 suy nghĩ phổ biến mà ai cũng thấy đúng, đó là việc người khác nghĩ như thế nào về mình lần đầu, thì nó sẽ định hình lên cách đánh giá của họ về mình hiện tại và cả sau này. Cho nên việc luôn thể hiện ra những mặt tốt, làm hoàn hảo mọi việc, tránh những gì gây hại tới bản thân, cân đo đong đếm mọi chuyện,… là điều sẽ được ưu tiên khi muốn tạo ấn tượng cho người khác. Khi đã xây dựng được một hình tượng tốt trong mắt nhiều người rồi thì theo quán tính tự nhiên chúng ta sẽ cố gắng bảo vệ hình tượng đó đến cùng, dù cho thậm chí là bản thân đã thay đổi nhiều trên suốt chặng đường đó.
Nhưng mình sẽ đi ngược lại với cách làm trên vì 3 lý do:
1. Mình luôn luôn thay đổi theo thời gian cho nên hình tượng của bản thân hiện tại trong mắt người khác là A – nhưng nó sẽ không bao giờ dừng lại ở đó. Nó có thể tốt lên hoặc xấu đi theo cách nhìn nhận của người khác, nhưng đó chính là con người mình chấp nhận và mong muốn hướng tới.
2. Chuyện người khác kỳ vọng là mình đã giỏi, tự nhiên sẽ đặt lên mình một áp lực tiêu cực khiến bản thân không dễ dàng chấp nhận sai lầm. Mà khi đã không chấp nhận sai lầm thì rất khó để thử những cách làm mới.
3. Cách đánh giá nhìn nhận của người khác về mình nó rất khó thay đổi, nhưng không phải không thể thay đổi. Đơn giản chỉ là cần thời gian để họ có thể nhìn thấy sự thay đổi của mình. Còn nếu họ mà không muốn chấp nhận thì thôi cũng chịu :))
Mình chưa cần phải tương tác với bên ngoài mà đơn giản chỉ cần cầm 1 cuốn sách lên rồi đọc thì mình cũng thấy bản thân không biết rất nhiều thứ rồi. Kiểu như câu: Càng học càng thấy mình ngu ấy.
Mình cũng chưa cần nói đến ở thời đại này có rất nhiều lĩnh vực, khái niệm, mà chính cái lĩnh vực mình đang làm việc thì cũng có quá nhiều thứ mình không biết sự tồn tại của nó rồi. Như vậy đối với mình sẽ không bao giờ có một thời điểm mà mình trở nên hoàn hảo theo quan niệm của người khác được cả.
Mình đồng ý một chuyện rằng sự nhìn nhận đánh giá của người khác đến mình rất quan trọng, bởi xã hội này là sự tương tác giữa người với người. Tuy nhiên mỗi người sẽ có một sự lựa chọn về việc sẽ phản ứng với chuyện này như thế nào. Có người sẽ luôn đặt bản thân vào chuyện mình là một người giỏi, có người sẽ không quan tâm tới sự nhìn nhận đánh giá của người khác mà tự thể hiện theo cách họ muốn, có người thì nửa nọ nửa kia,…
Với mình thì mình muốn người khác nhìn nhận bản thân là một người đang học hỏi và sẽ tốt lên dần chứ không phải là một người giỏi sẵn rồi. Đương nhiên chuyện này đối với nhiều người nhìn nhận nó sẽ không tốt vì có thể sẽ không được giao những cơ hội tốt luôn, không được sự tin tưởng cao từ đầu, không được sự quan tâm,… Nhưng mình hoàn toàn ổn với điều này vì những lý do mà mình đã viết ở trên.
Và để làm được điều đó thì cách mình làm bây giờ đó là xin lỗi khi làm sai rồi sau đó làm tốt hơn.
Nghe có vẻ đơn giản nhỉ :)) Nhưng mình phải thừa nhận một điều rằng nói lời xin lỗi những lần đầu tiên không dễ chút nào. Ở đây mình không nói là câu xin lỗi kiểu xã giao mà là một lời xin lỗi thật lòng vì những gì mình đã làm sai.
Mình thì không muốn khái niệm hóa quá mức một điều gì đó, nhưng mình nghĩ bạn cũng hiểu rằng việc một người xin lỗi thì phía sau đó nó là sự thừa nhận lỗi sai bản thân, việc bỏ cái tôi của họ xuống, sự tự chịu trách nhiệm, sự học hỏi,… Và với mình nghĩ đây cũng là sự trưởng thành, chấp nhận sự không hoàn hảo để cố gắng cho một điều tốt hơn.
Trong công việc mình nghĩ rằng 1 người rất khó có thể vừa nhìn bao quát vừa nhìn chi tiết được. Có rất nhiều góc cần sự đào sâu, bỏ thời gian công sức và rất nhiều sai lầm thì mới có thể tìm ra cách hay ho được. Nếu một nhóm ai cũng giỏi vậy thì ai sẽ là người chấp nhận sai sót để dự án được phát triển một cách lành mạnh.
Trong chuyện tình cảm thì có một câu mà mình nghĩ cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều đó là: “Em sai rồi anh xin lỗi em đi”. Câu này mình nghĩ vừa đúng vừa sai :))
Đúng ở đây mình đồng ý một chuyện rằng con trai nên là người chấp nhận sự vô lý đáng yêu của người kia, và nó cũng thể hiện sự chiều chuộng, dỗ dành – thứ mà nuôi dưỡng tình yêu khá tốt. Sai ở đây là cái gì nhiều quá cũng không tốt, nếu lời xin lỗi đó là sự mặc định của người con gái mong đợi từ phía con trai thì kiểu gì cũng sẽ đến lúc vỡ bờ. Đôi khi những lời xin lỗi ban đầu chỉ là những hành động nằm trong phạm vi cho phép, nhưng nếu nó đã quen rồi thì những lỗi sai dù có như thế nào đi nữa thì phần sai luôn chỉ ở một phía – điều này hoàn toàn không tốt cho mối quan hệ lâu dài.
Một mối quan hệ tốt mình nghĩ là lỗi sai cần được sự thừa nhận của cả 2 phía. Nói đúng hơn thì trong chuyện tình cảm thì sai lầm phải có sự tương tác 2 chiều nó mới xảy ra. Đương nhiên ở đây chúng ta sẽ tạm bỏ qua những lỗi chí mạng như ngoại tình, người thứ 4 các thứ :)) Lời xin lỗi trong mối quan hệ tình cảm nó không chỉ là lời nói mà đó còn là sự tôn trọng cho đối phương, sự nhìn nhận lại lỗi sai của bản thân và mong muốn mối quan hệ trở nên tốt hơn.
Cuối cùng là lời xin lỗi đối với bản thân. Ở bài trước mình có viết về chuyện sống thật, tức là thừa nhận sự yếu kém của bạn thân để tạo tiền đề trở nên tốt hơn. Mình nghĩ rằng để xin lỗi được người khác thì điều đầu tiên cần làm vẫn là từ bản thân trước, chứ khó lòng mà có thể nói lời chân thành khi đang mâu thuẫn trong nội tâm được. Sai lầm hay thất bại đối với mình nó là một phần cần có cho kết quả, chứ nó không phải một kết quả cuối cùng. Kết quả cuối cùng chỉ không xảy ra khi mình đến thất bại mà mình dừng lại thôi.
Trong công việc, tình cảm hay bản thân lời xin lỗi nó không phải câu nên dễ dàng được nói ra, mà đó là câu nên sử dụng nó những thời điểm phù hợp và có sự chân thành, thật lòng muốn sửa sai trong đó. Vì đơn giản không ai có thể chấp nhận một người ngày nào cũng đi xin lỗi được :)) Mệt chứ đùa.
Dần dần bây giờ mình thật sự thích những người nhận trách nhiệm về bản thân, với mình nó không phải đúng hay sai khi họ làm chuyện gì đó. Mà nó là sự không ngừng học hỏi, sự phát triển, sự tôn trọng mà họ dành cho bản thân cũng như người khác. Chuyện này không phải dễ nhưng cũng không phải không làm được, hướng đến một điều tốt hơn nó không phải là một đích đến mà là cả quá trình dài không có điểm dừng.
Chúc bạn một ngày cuối tuần bình an.
By Cường Dizi.