Có 1 câu hỏi mình tự hỏi bản thân mình rằng: Điều gì tạo nên con người mình? Mỗi một người là tổng hòa của rất nhiều yếu tố như quan điểm, góc nhìn, tính cách, trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng, môi trường,… Vậy có yếu tố nào trong đấy quan trọng hơn những yếu tố còn lại hay không?
Chắc bạn đã từng nghe những câu nói như là: Tương lai của bạn quyết định bởi những gì bạn làm trong thời gian rảnh, Bạn là những gì bạn làm ngày hôm qua, Quá khứ không quyết định tương lai mà là hiện tại,… Mỗi câu nói này đều không sai nhưng có vẻ như việc áp dụng vào cuộc sống không dễ. Không biết bạn có như mình không nhưng những câu nói này đều mang tính khá chung chung, tức là nghe thì hay nhưng nghe xong cũng không biết làm như thế nào tiếp.
Gần đây mình đọc một cuốn sách, trong đấy có một câu khá thú vị là: Con người dự đoán tương lai rất tệ. Thứ nhất là những gì mỗi người lấy thông tin để dự đoán là dựa vào thông tin quá khứ, tức là những gì đã xảy ra chứ không phải những gì chưa xảy ra. Thứ hai là mỗi một yếu tố trong cuộc sống nó không đứng riêng lẻ mà luôn tác động qua lại lẫn nhau một cách phức tạp, tạo ra những biến số không ai có thể lường trước được.
Đôi khi chúng ta sẽ thấy những dự đoán đúng trong tương lai của một số người tuy nhiên đây chỉ là một số trường hợp trong hàng nghìn, hàng triệu dự đoán khác trong cùng thời điểm đó. Nếu mà để nói xác suất thì đó là một con số rất rất nhỏ để tự tin nói rằng con người dự đoán được tương lai.
Chính vì vậy cho nên chúng ta không thể chắc chắn một điều gì phía trước được cả, điều mà mình có thể làm là tăng cơ hội đến được tương lai mình mong muốn. Có một số yếu tố mang tính quyết định tới tương lai hay nói cách khác là tạo nên chúng ta như tâm, thân, tuệ hay sự kiên trì, thói quen, thái độ sống. Nhìn qua thì những yếu tố này ai cũng đều biết và hiểu.
Đối với mình yếu tố quan trọng hơn cả đó chính là thói quen. Bạn nghe có vẻ hợp lý đúng không, tuy nhiên đây không phải là những thói quen thông thường mà bạn nghĩ tới như đọc sách, tập thể dục, tự học thêm kiến thức,… Mà đó là thói quen phản ứng của mình đối với những sự kiện bên ngoài. Thường những thói quen phản ứng này là thói quen vô thức, tức là nếu mình không để ý hoặc không ai nói cho mình thì chịu chết không biết được.
Mình ví dụ cho bạn dễ hiểu nhé:
+ Khi đang làm việc gặp 1, 2 bài toán khó mình chọn cách tìm lý do để hợp lý hóa cái sự khó khăn đó rồi bỏ nó đi làm cái khác
+ Đang trong chế độ giảm cân nhưng lỡ 1, 2 ngày ăn đồ ăn nhiều calo
+ Đi trên đường 1, 2 lần vượt đèn đỏ giao thông
+ Có việc đến hạn cần xong nhưng cứ trì hoãn đến ngày cuối mới làm
Nghe thì có vẻ đây là những ví dụ thông thường trong cuộc sống nhỉ. Nhưng tất cả những hành động trên đều có tác động rất lớn hình thành nên con người của mình.
Có một câu nói khá hay để thể hiện ý mình muốn nói đó là: Cách mình làm một việc nó thể hiện cách mình làm tất cả mọi việc.
Tất cả những lần tưởng chừng như vô thức việc gặp khó bỏ qua, lỡ ăn đồ ăn ngoài chế độ, vượt đèn đỏ,… không có tác động gì lớn đến cuộc sống tuy nhiên nó hình thành nên thói quen phản ứng vô thức khi gặp một chuyện tương tự ở tất cả mọi khía cạnh khác trong cuộc sống. Để rồi hiệu ứng domino phát huy.
Một yếu tố tác động không lớn nhưng nhiều lần sẽ có phản ứng dây chuyền rất là mạnh. Tiếp theo đó mình sẽ theo đà gặp những tình huống khó khăn hơn mình sẽ chạy trốn, không có khả năng kiềm chế những cám dỗ, gặp tai nạn vì vi phạm luật lệ, không có khả năng hoàn thành những gì được giao hay tự đặt ra cho bản thân.
Như mình nói ở trên: Bản chất con người dự báo tương lai rất tệ. Tất cả những chuyện mình nghĩ sẽ không xảy ra thì nó đều có thể đến với mình một lúc nào đó. Đó là sự tích lũy những yếu tố tưởng chừng như rất nhỏ như những ví dụ vừa rồi.
Khi mình không có khả năng chống lại cám dỗ lần 1 thì nó có thể sẽ xảy ra lần 2, lần 3, lần n nếu mình không ý thức. Khi mình không có khả năng giải quyết khó khăn thì mình sẽ chỉ chấp nhận cuộc sống tự vận hành theo nghĩa số phận đã định đoạt. Khi mình buông bỏ bản thân 1 lần thì sẽ có lần 2, lần 3,…
Ở đây mình không nói bản thân mình cực đoan là phải luôn kiềm chế, phải luôn đương đầu khó khăn, phải luôn chấp nhận để bước tiếp,… Mình muốn nói rằng tất cả những lần mình thỏa hiệp với cuộc sống một cách vô thức đều dần dần tạo nên con người mình không muốn trở thành.
Điều mình cần làm là ý thức được những gì mình đang lựa chọn ngay tại thời điểm hiện tại. Điều gì có thể làm được hãy làm, cố gắng được hãy cố gắng, kiên trì được hãy kiên trì, kiềm chế được hãy kiềm chế. Dần dần những lần tích lũy phản ứng tốt sẽ tạo nên một bản thế tốt mình mong muốn.
Đương nhiên ở đây mình không quá đề cao yếu tố thói quen mà đánh giá thấp các yếu tố khác. Mình chỉ đang đặt ưu tiên điều gì mình nên tập trung đến khi mình kiểm soát được rồi dần dần phát triển các yếu tố khác. Bởi vì để tạo nên con người của chúng ta trong tương lai nó là tổng hòa của rất nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng có lẽ chính vì thế cuộc sống này mới thú vị để khám phá, để trưởng thành phải không?
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.