Live intentionally: sống chủ động, sống cố ý, sống có mục đích – Dịch theo kiểu nào cũng được nhưng mình muốn hiểu theo nghĩa tiếng Anh hơn vì nó bao quát hơn.
Theo wiki thì có định nghĩa như thế này: Sống có chủ đích là bất kỳ lối sống nào dựa trên nỗ lực có ý thức của một cá nhân để sống theo các giá trị và niềm tin của họ.
Nghe định nghĩa thì khá đơn giản và dễ hiểu nhỉ. Nhưng khi biết tới cụm từ này thì mình có suy nghĩ khá nhiều tới những gì mình đang làm hiện tại. Trước khi nói sâu hơn thì câu hỏi lý do tại sao cần sống có chủ đích nó cần được đưa ra trước.
Có nhiều thời gian, nhiều công việc mình làm trong trạng thái auto. Kiểu như mình sẽ được lập trình để làm những việc đó mà không có ý thức.
Ví dụ như một công việc khi đã quen rồi thì mình đã không đặt những câu hỏi như: mình làm việc này vì điều gì, có cách nào để cải thiện tốt hơn không, liệu mình có cần làm nó không, nó có làm mất thời gian của mình không, có cách nào làm nhanh hơn không, trong quá trình làm có điều gì mình đang làm sai không,…
Những câu hỏi trên nếu đặt ra thì sẽ trả lời được nhưng tại sao mình lại không tự hỏi? Lý do mỗi người mỗi khác. Đối với mình thì mình đang cố gắng tối ưu thời gian làm việc, cố gắng chạy theo số lượng, tức là mình sẽ cố ý làm nhiều việc nhất có thể chứ không hề để ý tới những thứ khác.
Nguyên nhân mình bị như này là do mình nghĩ rằng quản lý thời gian tốt là làm nhiều việc, hay người làm nhiều việc là người mình ngưỡng mộ, hay là mình đang chạy đua vì mình đang so sánh với người khác. Hoặc có thể ở một số khía cạnh mình không đặt cảm xúc hay sự chú ý với nó.
Điều này dẫn đến có khá nhiều lần mình không biết mình đang làm gì. Và cũng nhiều lần mình không cảm thấy hài lòng với những việc mình đang làm mà không biết lý do tại sao. Mình cảm thấy bản thân đang tồn tại ở một số khía cạnh chứ không thực sự sống có ý nghĩa. Ở đây mình không có ý nói rằng tất cả mọi việc mình làm đều như robot, nhưng có lẽ rằng năng lượng của mình thời điểm đó cũng chỉ đủ tập trung vào khoảng 20-30% là có chủ đích.
Đương nhiên việc mình hướng đến sống hạnh phúc là quan điểm cá nhân, không có nghĩa rằng người khác phải hướng đến nếu họ cảm thấy cuộc sống như thế vẫn ổn. Mình cũng không có phải kiểu người hướng đến cái hoàn hảo kiểu làm 100% chủ đích, chỉ đơn giản là mình muốn sống có ý thức hơn trước, hạnh phúc hơn trước vậy là ok.
Theo nghiên cứu năm 2019 tại PubMed Central (dữ liệu được National Institutes of Health đánh giá cao) chỉ ra rằng việc thực hiện những hành động dựa trên giá trị của bản thân thúc đẩy khả năng đối phó với khó khăn trong cuộc sống cao hơn.
Một ví dụ khác trong nghiên cứu năm 2021, những người tham gia ghi lại những thời điểm đau khổ/ hạnh phúc trong 21 ngày. Thì thấy rằng việc thực hiện nhiều hành động dựa trên giá trị bản thân nhiều hơn có liên quan đến việc giảm bớt đau khổ và gia tăng hạnh phúc hàng ngày lớn hơn.
Mình thấy rằng bất kỳ ai cũng có giá trị mà bản thân đặt niềm tin vào đó. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể đặt mọi việc đi theo giá trị bản thân. Đây không phải chuyện ích kỷ kiểu chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến người khác. Với mình đây là sự luyện tập, mỗi ngày một chút thì đến lúc nào đấy sẽ có thể tăng tỷ lệ sống chủ đích cũng như hạnh phúc của bản thân lên.
Vậy làm thế nào để sống có chủ đích? Dưới đây là cách mình đang thực hiện sẽ có cái phù hợp với bạn hoặc không nhưng mình nghĩ bạn có thể tham khảo ha.
1. Không xác định
Chắc bạn cũng từng nghe qua growth mindset (tư duy mở) và fixed mindset (tư duy đóng) rồi nhỉ.
Đầu tiên thì mình được nghe rằng là bạn nên xác định giá trị bản thân, xác định một cách sống,…
Mình thì khác :)) Mình nghĩ rằng không cần phải xác định trước gì cả. Bởi có người chưa biết giá trị bản thân mình là gì, hoặc có người có giá trị nhưng chưa chắc là nó phù hợp hay không.
Mình thấy với một tư duy mở nghĩa là không có gì được đóng gói trong một lần mà luôn cần sự bổ sung, thay thế và phát triển. Cách hay nhất là mỗi tuần, mỗi tháng tìm một nơi nào đó thoải mái rồi ngồi viết ra những giá trị mình đang nghĩ là đúng và xem là những công việc mình đang làm có đang hướng tới giá trị đó hay không. Tháng sau có thể khác tháng trước là chuyện bình thường.
Cái chính vẫn là tại thời điểm hiện tại bạn đang thấy rằng mình hạnh phúc hơn trước vậy là đủ.
2. Nhắm mắt, bịt tai
Mình nghĩ bạn cũng nghe nhiều tới ô nhiễm không khí, nước, môi trường các thứ rồi nhỉ. Nhưng có một sự ô nhiễm mà không nhiều người nhắc tới đó là ô nhiễm tiếng ồn.
Tiếng ồn ở đây nó rộng hơn kiểu tiếng xe cộ, máy móc các thứ mà nó là thông tin tiêu thụ hàng ngày.
Mình từng nghe một người nói rằng: Để sống có chủ đích hơn thì cách tốt nhất là nhắm mắt và bịt tại :))
Nghe buồn cười ha. Nhưng thật sự nó tác động với mình rất lớn.
Chúng ta có xu hướng làm nhiều hơn những gì chúng ta cần, lý do bởi thứ gì cũng tốt, thứ gì cũng hay. Chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn khi ở thời đại hầu như thứ gì cũng có thể tiếp cận một cách nhanh chóng.
Mình không bảo rằng thông tin hay kiến thức không tốt. Mình hoàn toàn ủng hộ việc đọc nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn và mình cũng đang như vậy.
Nhưng nếu bản thân bạn đang cảm thấy không biết mình đang làm gì và phải làm gì tiếp theo thì việc đầu tiên cần làm là ngừng tiêu thụ thông tin. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định hoàn toàn là từ bản thân chứ không phải vì so sánh với người khác hay nghe từ người khác (kể cả mình).
3. Dừng
Cách tốt nhất để làm tốt tất cả mọi việc cùng một lúc là không làm gì cả :))
Mình thích nghe mấy câu ngược đời như vậy. Mình nghĩ rằng rất rất khó để từ 5 điểm lên 10 điểm được.
Lý do chúng ta kỳ vọng mình có thể làm được tốt tất cả mọi việc cùng lúc đó là bởi chúng ta đang dần quen việc đạt được một điều gì đó nhanh chóng: đồ ăn ship tận nhà, mua đồ ship hỏa tốc, hẹn hò quẹt phải, giải trí video ngắn, tin tức làm giàu nhanh,…
Có thể làm được mọi việc cùng lúc tốt được không? Có! Nhưng như mình nói đó là rất khó. Nếu mình đang ở 5 điểm thì mình cần chấp nhận là phải trải qua 5 bước nữa mới lên điểm 10.
Nếu không tự chấp nhận được thì bạn có thể tìm người quen đã đạt được thứ bạn muốn và xem quá trình của họ. Còn không thì cách nhanh nhất là thử làm đi rồi bạn sẽ tin.
Mình cũng đang luyện tập bởi lúc trước mình vừa cố gắng làm nhiều việc, vừa cố lấp thời gian trống, vừa cố đẩy mọi thứ vào sự hoàn hảo. Đương nhiên là sấp mặt rồi :))
Cái câu “không làm gì cả” phía trên chỉ là câu nói vui thôi. Ý của mình ở đây là làm mỗi thứ một lần cho nó tốt đi rồi mới thêm một việc tiếp theo. Chúng ta không biết được tiềm năng của bản thân cho đến khi tập trung 1 thứ.
4. Để ý
Chúng ta cần để ý trong lúc mình làm việc? Đúng nhưng chưa đủ. Để ý ở đây mình muốn nói là để ý đến tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống: công việc, sức khỏe, mối quan hệ.
Việc để ý này sẽ khiến bạn mất rất nhiều thời gian nhưng cũng đồng thời kéo dài thời gian hơn. Ví dụ vui là bạn thử ngồi nhìn đồng hồ chạy trong 5 phút mà không làm gì xem, tưởng như nửa tiếng bình thường ấy chứ.
Nhưng lý do mình muốn nói đến việc để ý là nó giúp bản thân mình sống có chủ đích hơn.
Như việc khi làm bất cứ công việc gì cũng đặt những câu hỏi mình đưa ra ví dụ ở đầu bài viết là một cách để ý. Kiểu có cách nào làm tốt hơn không? Việc đó giá trị không?
Hoặc ví dụ mình đang nói chuyện với người khác thì mình có cầm điện thoại không, mình có tập trung vào cuộc nói chuyện không, mình có đang lắng nghe không?
Mình có đang khỏe mạnh về thể trạng lẫn tinh thần không? Mình có đang chăm sóc bản thân mình tốt không? Mình có đang uống nước đủ mỗi ngày không?
Ê. Sao sống mệt thế. Việc gì cũng hỏi? Đồng ý. Mình nghĩ cũng đúng, nhưng có lẽ đây là sự lựa chọn của mình. Lựa chọn việc sống có chủ đích và hạnh phúc hơn.
Mình không cố gắng ép mình phải làm như thế này, phải làm như thế kia mới tốt. Mình chỉ đơn giản là quan sát, trải nghiệm và thấy việc nào tốt thì mình sẽ làm.
Mình không cố gắng theo đuổi hạnh phúc mà mình đang tận hưởng quá trình này vì mình nghĩ hạnh phúc nó không phải là đích đến.
Có một câu nói rất hay đó là: Chúng ta không biết hạnh phúc là gì cho đến khi chúng ta hạnh phúc.
Câu nói này thú vị ở chỗ không chỉ giới hạn ở quan điểm hạnh phúc mà với mình nó có ý nghĩa rộng hơn. Tức là mình không biết cái gì đó tốt với mình cho đến khi mình làm nó và thấy nó tốt với mình. Trước kia mình cho rằng một số thứ sẽ có giới hạn của nó nhưng giờ thì mình không còn suy nghĩ đó nữa.
Ví dụ đơn giản là một khía cạnh trong cuộc sống như là chuyện đi ngủ chẳng hạn thì đã có rất nhiều người dành cả đời của họ để nghiên cứu. Túm lại là mình không biết cho đến khi mình biết, dù là chuyện gì thì cũng không có giới hạn. Vậy nên luôn hướng đến cuộc sống vui vẻ hạnh phúc hơn từ từ từng bước một có lẽ không phải điều xấu ha.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.