Có một câu hỏi mà mình đã tự hỏi bản thân từ rất lâu rồi đó là: Tại sao mình lại rất khó làm được những điều mà mình biết?
Từ thông tin trên sách vở, báo chí, mạng xã hội, truyền thông dường như có rất nhiều thứ gọi là “công thức thành công”. Ở đây tạm thời mình chưa đề cập tới vấn đề đúng hay sai của những công thức này. Cứ cho là những công thức này đều đúng đi, bởi nó được kể lại, chắt lọc từ những người đã thành công.
Đấy là mới chỉ nhìn ở một khía cạnh. Nếu nhìn rộng hơn thì cái thứ gọi là công thức này nó có ở khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Đơn cử như lĩnh vực Marketing mình đang làm chẳng hạn. Thì sẽ có vô vàn công thức để marketing thành công, để kéo khách hàng mua sản phẩm. Mỗi công thức thì lại có rất nhiều chiến thuật để sử dụng. Và tất cả những thứ này đều có thể tiếp cận được chỉ cần có một chiếc điện thoại có mạng internet. Câu chuyện cũng tương tự như với các lĩnh vực khác.
Ban đầu khi mới tiếp cận với những công thức nghe có vẻ lọt tai này bản thân mình cứ ngỡ là mình đã biết rất nhiều, kiểu nhìn vào đâu mình cũng sẽ tìm thấy được cách thức để thay đổi cho nó tốt lên. Nhưng đi vào làm thực tế thì lại sấp mặt, để rồi mình lại đặt câu hỏi như đầu bài viết. Có điều gì mà mình chưa nhìn ra?
Sau một thời gian khá dài trải nghiệm, va vấp thực tế có lẽ mình đã tìm ra được câu trả lời. Đó chính là sự phù hợp riêng biệt.
Mỗi một người hay một cá thể thì thành công một điều gì đó nó không chỉ là thiên thời địa lợi nhân hòa tại khoảng thời gian đấy. Mà đó còn là sự tích lũy từ lúc người đó sinh ra cho đến điểm thành công ấy, và cộng thêm cả yếu tố may mắn nữa. Sự tích lũy ở đây chính là môi trường, trải nghiệm, hoàn cảnh, khó khăn, thành công, thất bại,… và rất rất nhiều yếu tố khác nữa.
Tức là công thức thành công mình được nghe từ 1 người nói thì mình sẽ thấy đó là A + B. Nhưng thực tế nó lại A + B + C + … + Z cả cái bảng chữ cái. Mình chỉ nhìn thấy được 1% kết quả cuối cùng của quá trình tích lũy đó thể hiện chứ không nhìn hết được 99% còn lại quá trình ấy.
Mình ví dụ nhé: Để bán được sản phẩm trên nền tảng Tiktok chẳng hạn thì phải làm video hay. Để làm được video hay thì cần nhiều yếu tố như: xu hướng, cá nhân, sự khác biệt, sự dễ hiểu,… Tiếp theo đó là cấu trúc video phải khơi gợi được nhu cầu cũng như cảm xúc của người xem. Tiếp theo nữa là kịch bản video phải thu hút và giữ chân họ,… Một trong những yếu tố này có thể rèn luyện.
Tuy nhiên có những yếu tố quan trọng như tính cá nhân, sự kiên trì, sự phát triển,… đều cần phải phù hợp với người sáng tạo nội dung. Những điều này không phải xây dựng ngày 1, ngày 2 mà đó chính là sự tích lũy từ lúc họ sinh ra cho đến bây giờ. Đây chính là sự phù hợp riêng biệt. Mỗi công thức đều có những biến số bất định khiến cho việc sao chép công thức trở nên rất khó.
Nếu nhìn lướt qua thì có vẻ thấy là những trường hợp thành công trên Tiktok rất nhiều. Nhưng đó là mình và bạn chưa thấy con số còn lại chưa thành công nó lớn đến mức nào.
Chúng ta hay lấy câu chuyện của Bill Gates, Mark Zuckerberg để nói về thứ gọi là thành công. Có một cuốn sách mà mình đọc được gần đây là thậm chí những câu chuyện này nó cũng là những câu chuyện tiêu biểu. Cùng thời với 2 người đó đều có những người y hệt họ (thậm chí có người là bạn thân) nhưng chỉ có 1 biến số khác biệt khiến cho 2 con người này đi tiếp đến thành công còn những người còn lại không ai biết đến.
Đây chính là lý do tại sao mình hoặc bạn mặc dù chúng ta biết rất nhiều, hiểu nhiều nhưng thật sự rất khó để làm theo những điều đó.
Có một câu mà mình mới đọc được gần đây đó là: Để đi từ knowing qua trạng thái being thì không phải bằng learning hay listening mà là bằng doing. Câu này tức có nghĩa là để những công thức mình nghĩ là hay là tốt với bản thân mình không phải chỉ nghe và hiểu là xong mà phải lao đầu vào làm, vào thử nghiệm thì mới biết đúng sai, phải trái.
Cũng như rất nhiều câu chuyện khác thực tế từ bản thân cũng như bạn bè của mình cho thấy rằng không phải con đường nào đã thành công rồi cũng phù hợp với mình. Thật sự đây cũng chính là điều khiến cho cuộc sống này trở nên thú vị. Khi mà mỗi một cuộc đời là tổng hòa của vô vàn màu sắc khác nhau chứ không phải đơn sắc có thể sao chép được.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.